TRẢI NGHIỆM CÙNG NHÀ VĂN ĐẶNG BÁ CANH

Lượt xem:

Đọc bài viết

Văn học địa phương – là món ăn tinh thần, quý giá của người dân địa phương tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, văn học địa phương mặc dù đã được cơ sở giáo dục và các cơ quan, đơn vị, Sở, ngành quan tâm nhưng chưa thật sự phát huy hết giá trị đối với lĩnh vực này.

Tại tỉnh Đắk Nông, đơn cử như ở trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh, TP. Gia Nghĩa, thì ngoài việc đưa văn học địa phương vào giảng dạy, nhà trường còn tổ chức ngày thơ vào dịp Tết Nguyên tiêu, tổ chức các trại sáng tác, tài trợ tác phẩm, xét kết nạp hội viên, trao giải thưởng, ra mắt sách – tập thơ… Để phát triển và phát huy lĩnh vực này, bên cạnh những chuyến sáng tác, thiết nghĩ nên tổ chức những buổi gặp gỡ một số tác giả, nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của tỉnh, nghe họ trao đổi và định hướng nhằm “tiếp lửa” cho đội ngũ sáng tác (đặc biệt là thế hệ trẻ) đã dành sự quan tâm đặc biệt đến mảng văn học địa phương, quê hương mình.

Vào buổi chào cờ tuần học thứ 8, ngày 23 tháng 10 năm 2023, Nhóm NCKH, CLB Văn Học – Tổ Ngữ Văn trường Chuyên Nguyễn Chí Thanh đã mời nhà văn Đặng Bá Canh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đăk Nông về giao lưu cùng các em học sinh nhà trường để cùng tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ nội dung xoay quanh tập truyện ngắn Rừng Xa, tác giả cũng chính là nhà văn Đặng Bá Canh. Thông qua buổi gặp gỡ, không chỉ giúp học sinh hiểu biết thêm về văn học địa phương Đăk Nông mà còn nâng cao thêm cho các em những kĩ năng, kiến thức sáng tác văn chương và khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách trong giáo dục, đời sống.

Nhà văn Đặng Bá Canh còn có bút danh Bá Canh, Phan An được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh sinh năm 1980 quê quán xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông, Tổng biên tập Tạp chí Nâm Nung. Tác phẩm của Đặng Bá Canh đã xuất bản: Sang mùa (Tập truyên ngắn, 2013); Đất đắng (Tập truyện ngắn, 2016), Rừng xa (Tập truyện ngắn, 2021) và anh được nhận các giải thưởng văn học: Giải B – Giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Nông (2015 – 2020) cho tập truyện ngắn Đất đắng, Giải C – Giải thưởng Văn học thuật các DTTS Việt Nam năm 2021 với tập truyện ngắn Rừng xa. Nhà văn Đặng Bá Canh quan niệm: “Văn học là cuộc sống được tái hiện bằng cảm nhận, góc nhìn và suy tưởng của người cầm bút. Chất liệu hiện thực cuộc sống, số phận của những người mà ta quen, ta gặp và những thăng trầm của cuộc đời là nguồn cảm hứng dồi dào cho các trang văn. Viết để sẻ chia, viết để đồng cảm với mong muốn cuộc đời này dịu bớt những lo toan, khổ đau. Đâu đó trong bất hạnh vẫn bắt gặp những tấm lòng để mỗi người có một nơi neo đậu tìm động lực tiếp tục sống trong cõi nhân gian”.

Nhà văn Đặng Bá Canh chụp hình lưu niệm và ký tặng sách cho các em học sinh

Sau phần giới thiệu là phần giao lưu giữa nhà văn và học sinh xoay quanh tập truyện ngắn Rừng xa – đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình Giáo dục địa phương lớp 11. Tập Rừng xa có mười ba truyện ngắn. Mỗi truyện là một “lát cắt” cuộc sống. Những lát cắt này đặt cạnh nhau tạo thành một bức tranh khá nhiều màu sắc về một vùng đất mới nghe cảm thấy thật sâu trong không gian, thật xa trong tưởng tượng, nhưng lại thật gần gũi trong cảm nhận, vùng bon làng Tây Nguyên “thì hiện tại tiếp diễn”, với những thân phận, với những vui buồn của những con người cụ thể đang diễn ra bên cạnh chúng ta. “Rừng xa” cũng chính là quê hương, địa phương mà nhà văn sinh sống, làm việc và sáng tác nghệ thuật.

Giáo viên tổ Ngữ Văn chụp hình lưu niệm cùng nhà văn

Buổi gặp gỡ giao lưu tuy diễn ra ngắn gọn nhưng đã để lại những ấn tượng tốt đẹp đối với các em học sinh, Nguyễn Khắc Hiếu đã từng nói: “Văn học là giọng nói của một dân tộc và văn học là nơi tâm hồn của một dân tộc được ghi lại”. Mong rằng sau buổi gặp gỡ này, các em sẽ đón nhận nồng nhiệt tập truyện Rừng xa, thêm yêu mến trân trọng những giá trị của văn học địa phương.

Bài viết: Cẩm Nhung