Những phát hiện mới tại Công viên địa chất núi lửa Krông Nô

Lượt xem:

Đọc bài viết

Để phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô là CVĐC toàn cầu, UBND tỉnh Đắk Nông đã mời các chuyên gia quốc tế về khảo sát, đo vẽ các hang động và mang về nhiều kết quả khả quan.
Tính đến thời điểm này, tỉnh đã khảo sát, đo vẽ được 48 hang động với tổng chiều dài là 9.573m

Theo đó, trong thời gian 2 tuần (từ ngày 23/3-5/4), các chuyên gia quốc tế và Viện Khoa học địa chất- khoáng sản Việt Nam đã tiến hành khảo sát, đo đạc các hang động núi lửa thuộc 2 khu vực: Thác Đ’ray Sáp và núi lửa Chư R’lúk. Để thuận tiện cho việc nghiên cứu, đoàn đã chia làm 3 tổ để thực hiện đo vẽ cũng như các phần việc liên quan.

Kết quả, đoàn đã tiến hành đo được 32 hang với tổng chiều dài 2.789m. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh, các đoàn đã khảo sát, đo vẽ được 48 hang động trong khu vực núi lửa Krông Nô, với tổng chiều dài là 9.573m (kể cả các hang động được chuyên gia Nhật Bản đo, vẽ trước đó).

Đặc biệt, cũng trong đợt khảo sát này, đoàn đã phát hiện thêm 6 hang động mới và tại các khu vực khảo sát có mật độ hang rất dày đặc. Ở khu vực thác Đ’ray Sáp có các hang C2, C7, C1… với miệng hang rộng nên đi xuống khá dễ dàng, trong nền hang có vô số các loài nhuyễn thể, càng đi sâu vào bên trong thì hang nhỏ, rất chật chội. Riêng khu vực núi lửa Chư R’lúk khá thông thoáng nên việc khảo sát đo vẽ khá dễ dàng. Đặc biệt, trong các hang động có rất nhiều loài động vật sinh sống và đoàn cũng đã thu thập, cất giữ một số loài đặc trưng để nghiên cứu về sự đa dạng sinh học và hy vọng sẽ tìm được nhiều loài mới đặc trưng hơn.

Hang C3 –  một trong những hang đẹp có thể khai thác du lịch địa chất

Theo các chuyên gia, qua đợt khảo sát có thể thấy, một số hang động đẹp ở khu vực núi lửa Krông Nô mà tỉnh Đắk Nông có thể sử dụng, đưa vào khai thác du lịch, đó là các hang C3, C4 (khu vực thác Đ’ray Sáp) và các hang C8, C9 (khu vực núi lửa Chư R’lúk). Còn hang P8 có độ cao 25m, cấu tạo theo hình thẳng đứng, phải có sự đầu tư lớn, nên không phù hợp để phát triển du lịch. Riêng hang C7-nơi phát hiện ra các di chỉ khảo cổ, tỉnh cũng nên tiến hành khảo cổ và điều tra đánh giá lại một cách chính xác nhất. Đây là những nét đặc trưng cơ bản của hệ thống hang động núi lửa Krông Nô mà khó có thể tìm thấy ở bất kỳ khu vực nào ở Đông Nam Á.

Theo ông Đàm Quang Trung – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kết quả số liệu khảo sát, đo vẽ trong đợt này, tuy chưa đánh giá được hết những giá trị, tiềm năng của hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô, nhưng đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để các chuyên gia trong nước và quốc tế sử dụng, đánh giá những giá trị địa chất, địa mạo và tiềm năng phát triển du lịch trong khu vực. Đặc biệt, kết quả của đợt khảo sát giúp tỉnh hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC núi lửa Krông Nô là CVĐC toàn cầu. Kết quả nghiên cứu sẽ được các chuyên gia bàn giao cho tỉnh vào đầu tháng 6/2018.

Theo Đắk Nông Online