Người được Hồ Chủ tịch nể trọng vì học vấn

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong thư mời tham gia công việc “trừ họa cho nước nhà”, Hồ Chủ tịch viết: “cụ Bùi Bằng Đoàn là người học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú”.

Nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn, nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1889 – 1955), sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông (cũ).

Là người ham học từ nhỏ nên 17 tuổi (năm 1906), Bùi Bằng Đoàn đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái. Trước làn sóng Tây học ở Việt Nam, năm 1907, ông khai tăng ba tuổi để vào học trường Hậu bổ (trường đào tạo viên chức hành chính thời Pháp thuộc) và tốt nghiệp thủ khoa bốn năm sau đó.

Ông bước vào con đường quan trường từ năm 1911 với chức tri huyện ở Xuân Trường (Nam Định) và trải qua nhiều chức vụ khác nhau như Án sát tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bố chính tỉnh Phúc Yên, Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình.

Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, đức độ, chăm dân. Những nơi ông được cử về làm quan, trên công đường luôn treo biển “không nhận quà biếu” và nghiêm cấm người nhà nhận quà biếu.

Vì thông thạo cả Hán văn và Pháp văn, năm 1925, khi đang làm tri phủ Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), ông được mời lên Hà Nội làm thông ngôn cho phiên tòa đại hình của Pháp xét xử nhà yêu nước Phan Bội Châu. 

Với quyết tâm khép Phan Bội Châu vào tội “chống lại Chính phủ Bảo hộ”, chính quyền thuộc địa đặt ra gần 2.000 câu thẩm vấn. Để bảo vệ nhà yêu nước, ông Bùi Bằng Đoàn phiên dịch rõ ràng, đầy đủ những lý lẽ phản bác đanh thép của Phan Bội Châu đáp lại cáo buộc của chính quyền Pháp tại phiên toà. Vì vậy, dù rất muốn kết án chung thân với chí sĩ họ Phan nhưng toà buộc phải giảm án “đưa đi an trí ở Huế”.

Năm 1933, khi mới 44 tuổi, ông đã giữ chức Hình bộ Thượng thư, tham gia Viện cơ mật, cơ quan cao nhất trong hệ thống triều đình thời vua Bảo Đại.

Nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu.

Nguyên Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn. Ảnh tư liệu.

Với sự am hiểu về luật pháp và tư tưởng tiến bộ, trên cương vị mới, ông đưa ra nhiều sáng kiến cải cách hệ thống pháp luật. Một trong những việc đó là bãi bỏ những quy định không phù hợp ở các tỉnh, đạo Trung Kỳ. Ông còn là người chỉ đạo và trực tiếp soạn thảo các bộ luật mới của triều Nguyễn có nhiều nội dung tiến bộ như: Luật Hình sự (1933); Quy tắc tố tụng dân sự và hình sự (1933); Luật Dân sự (1936 và 1939). Ông cải tiến nhiều hoạt động của Bộ Hình, đặc biệt là những hoạt động của các toà án và nhân sự theo hướng tân tiến.

Sau cách mạng tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ba lần mời ông Bùi Bằng Đoàn tham gia làm cố vấn cho chính phủ. Trong thư ngày 17/11/1945, Hồ Chủ tịch viết: “Tôi tài đức ít ỏi và trách nhiệm nặng nề, thấy Ngài học vấn cao siêu, kinh nghiệm phong phú. Vậy nên tôi mời ngài làm cố vấn cho tôi để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ họa cho nước nhà, dân tộc”.

Với tấm lòng yêu nước, thương dân và nể trọng tài đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Bùi Bằng Đoàn nhận lời đi theo con đường cách mạng. 

Ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 64/SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Ông Bùi Bằng Đoàn được Hồ Chủ tịch tiến cử làm trưởng ban (nay là Tổng Thanh tra Chính phủ) vì là người có đạo đức cao, học vấn lớn. Dưới sự chỉ đạo của ông, Ban Thanh tra đặc biệt đã giải quyết nhiều vấn đề quan trọng để giữ bộ máy chính quyền trong sạch và uy tín cho Đảng.

Tháng 11/1946, ông Bùi Bằng Đoàn được bầu làm Trưởng Ban thường trực Quốc hội (Chủ tịch Quốc hội ngày nay) thay ông Nguyễn Văn Tố. Từ đó, với tư cách người đứng đầu cơ quan lập pháp, ông luôn sát cánh bên cạnh Chính phủ và Hồ Chủ tịch trong những thời khắc quan trọng của đất nước như quyết định toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.

Để huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn thường xuyên viết thư và đến các địa phương thăm hỏi nhân dân.

Trong thư gửi đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, ông đã viết: “Hai mươi nhăm triệu đồng bào ta cùng chung Tổ quốc, cùng chung giang san, cùng chung vận mệnh, cuộc kháng chiến này là cốt bảo toàn vận mệnh của chúng ta, chúng ta có giữ được chủ quyền, có bảo vệ được hoàn toàn lãnh thổ của nước ta thì mới giữ được vận mệnh của dân tộc ta”.

Trong thời gian này, khi người Pháp và các đảng phái khác đặt vấn đề về tính hợp hiến, hợp pháp của Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu, Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn lên tiếng: “Quốc dân ta chỉ có một chính phủ là Chính phủ Hồ Chí Minh do Quốc dân công nhận tại kỳ họp tháng 11/1946”.

Cuối năm 1946, ông là một trong những người tham gia Ban vận động thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) để mở rộng khối đại đoàn kết, tăng cường lực lượng cho kháng chiến.

Từ năm 1947, khi Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc, nhà yêu nước họ Bùi luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, dự họp, góp ý và giám sát các hoạt động của chính phủ. Ông có nhiều đóng góp vào cải tổ nhân sự, thực hiện chính sách sản xuất tiết kiệm, chính sách ruộng đất, thuế nông nghiệp…

Không chỉ đồng hành trong kháng chiến, kiến quốc,  Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quốc hội Bùi Bằng Đoàn còn là hai người bạn tri kỷ. 

Năm 1948, Hồ Chí Minh tặng ông Bùi Bằng Đoàn bài thơ chữ Hán: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì/ Tiệp báo tần lai lao dịch mã/ Tư công tức cảnh tặng tân thi”. (Dịch: Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi chiếu nghiên soi/ Tin vui thắng trận dồn chân ngựa/ Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài).

Cụ liền hoạ lại tặng Hồ Chí Minh: “Thiết thạch nhất tâm phù chủng tộc/ Giang sơn vạn lý thủ thành trì/ Tri công quốc sự vô dư hạ/ Thao bút nhưng thành thoái lỗ thi). (Dịch: Sắt đá một lòng vì chủng tộc/ Non sông muôn dặm giữ cơ đồ/ Biết Người việc nước không hề rảnh/ Vung bút thành thơ đuổi giặc thù).

Nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn suốt đời vì dân - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn (ngoài cùng bên phải) năm 1948 ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1948, đầu năm 1949, được tin ông Bùi Bằng Đoàn bệnh nặng, Hồ Chủ tịch chỉ đạo đưa ông vào vùng tự do Thanh Hoá yên tâm chữa bệnh. Sau khi Hà Nội giải phóng (1954), ông được Trung ương đón về ở nhà số 10 Trần Hưng Đạo, gần bệnh viện quân đội 108 để tiện chăm sóc sức khoẻ. Cụ Hồ thường xuyên tới thăm, có hôm hai người đàm đạo đến khuya.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, tấm gương nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn tiêu biểu cho lòng yêu nước của mọi người Việt Nam trong những lúc đất nước đứng trước thời khắc lịch sử khó khăn.

Theo ông, điểm chung nhất giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Bùi Bằng Đoàn là đều nặng lòng vì nước, vì dân. Hồ Chủ tịch ba lần viết thư mời ông Bùi Bằng Đoàn ra giúp chính phủ, với lời lẽ khiêm nhường thể hiện tấm lòng trọng dụng nhân tài, không phân biệt hoàn cảnh xuất thân và quá khứ của họ. Chí sĩ họ Bùi, dù đã cáo quan về quê, nhưng vẫn cảm động trước những lời lẽ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhận lời ra giúp cách mạng là một trí thức lớn, không câu nệ phục vụ chính quyền phong kiến hay chính quyền cách mạng, chỉ cần đó là công việc giúp ích cho dân, cho nước thì luôn sẵn sàng làm.

“Dù khi đó chính quyền cách mạng còn non trẻ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được nhiều trí thức, nhân sĩ, gồm những quan lại của nhà Nguyễn, nhà tư sản… giúp sức cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đó là bài học còn nguyên giá trị thời sự trong việc thu hút nhân tài để xây dựng đất nước hôm nay”, ông Quốc nói.

Vì vậy, theo ông Dương Trung Quốc, tôn vinh nhà yêu nước Bùi Bằng Đoàn cũng là nhắc lại bài học phát huy lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân trong những hoàn cảnh lịch sử khác nhau của đất nước.

Theo: Viết Tuân – vnexpress.net