Động lực để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề
Lượt xem:
Bằng tình cảm, trách nhiệm và khả năng của mình, trong những năm qua, ngành Giáo dục luôn có sự quan tâm đối với đời sống của cán bộ, giáo viên, giúp họ từng bước yên tâm công tác, nỗ lực với sự nghiệp “trồng người”..
Hội thi văn nghệ là sân chơi lành mạnh, tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được giao lưu, học hỏi |
Theo thống kê, ngành Giáo dục tỉnh hiện có trên 12.000 cán bộ, giáo viên là những người tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, việc quan tâm, chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên về mọi mặt luôn được ngành xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhất là giải quyết đúng và đủ các chế độ, chính sách đặc thù của Nhà nước đối với những người đang công tác, giảng dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hàng năm, vào trước năm học hoặc ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, lãnh đạo ngành, công đoàn ngành thường tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà giáo viên ở các trường học. Cùng với thực hiện theo nghị quyết của HĐND tỉnh, công đoàn ngành cũng tổ chức kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ủng hộ để xây dựng được gần 100 phòng công vụ cho giáo viên thiếu nhà ở.
Từ nguồn vốn kêu gọi, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được hỗ trợ sửa chữa nhà ở, tạo nơi an cư, lập nghiệp. Để tạo sân chơi cho cán bộ, giáo viên, ngành cũng đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, từ đó tăng cường thêm tình đoàn kết, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Cô giáo H Met Hlong, dân tộc M’nông, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (Gia Nghĩa) hướng dẫn học sinh làm bài tập môn Văn học trên lớp, giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tiếp thu bài tốt. Ảnh: Y Krăk |
Công đoàn các đơn vị trực thuộc, các trường học còn có các hình thức giúp đỡ đồng nghiệp như thành lập quỹ “Mái ấm công đoàn”, quỹ “Vì đồng nghiệp”… Nhờ đó, những cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ, thăm hỏi, động viên kịp thời, làm ấm tình đồng nghiệp. Nhiều địa phương có những hình thức giúp đỡ giáo viên thiết thực như các huyện Chư Jút và Tuy Đức hỗ trợ xây nhà công vụ. Huyện Đắk R’lấp tạo điều kiện và hỗ trợ cán bộ giáo viên khó khăn, có thâm niên công tác mua đất ở…
Mặc dù chưa thể có điều kiện để quan tâm giúp đỡ hết các trường hợp, nhưng những hoạt động, việc làm của các cấp công đoàn đã triển khai thực hiện thực sự là động lực, góp phần giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn thêm tin tưởng, khắc phục khó khăn, tiếp tục cống hiến, gắn bó với nghề đã chọn.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tham gia các lớp học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Đến nay, trong tổng số trên 12.000 cán bộ, giáo viên đã có trên 99,9% đạt trình độ chuẩn. Tỷ lệ cán bộ, giáo viên đạt trình độ trên chuẩn không ngừng tăng hàng năm. Việc tổ chức các cuộc thi như viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên dạy giỏi các cấp cũng là môi trường khích lệ tinh thần tự học và sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy.
Các hoạt động sinh hoạt chuyên môn được mở rộng, không chỉ sinh hoạt trong nhà trường mà mở rộng ra giữa các trường, các cụm thi đua. Qua đó, cán bộ, giáo viên học tập được những mô hình, cách làm hay để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Điều đó đã được minh chứng qua những con số biết nói. Từ những ngày mới thành lập tỉnh, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp THPT chỉ đạt khoảng 89%, nhưng đến nay đã tăng lên 98% và nằm trong tốp dẫn đầu khu vực Tây Nguyên. Từ chỗ tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng chỉ đạt khoảng 11%-14% thì năm học 2016-2017 đã tăng lên 66,2%. Kết quả này có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở GD-ĐT thăm, tặng quà và động viên giáo viên ở huyện Tuy Đức trước năm học mới 2017-2018 |
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, với sự đổi mới không ngừng, nhất là thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên phải ngày càng phát huy vai trò của mình hơn nữa. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ngành Giáo dục tỉnh đã và sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên vững mạnh toàn diện cả về đạo đức và năng lực chuyên môn. Việc triển khai các cuộc vận động, phong trào sẽ tập trung đi vào chiều sâu hơn trong toàn thể cán bộ, giáo viên như học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo…
Tuy nhiên, hiện nay, đời sống của một bộ phận giáo viên ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn gặp khó khăn về nhiều mặt, nhất là điều kiện sinh hoạt. Vì vậy, việc chăm lo, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên để họ yên tâm công tác, cống hiến cũng cần phải được quan tâm, chú trọng, đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa. Trước yêu cầu đó, cùng với huy động nội lực, ngành Giáo dục tiếp tục kêu gọi, tranh thủ các nguồn lực, tăng cường xây dựng nhà công vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi hơn nữa để cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.
Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/giao-duc/dong-luc-de-giao-vien-yen-tam-cong-tac-gan-bo-voi-nghe-58219.html