GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH
TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG
NGƯT-ThS. Trịnh Minh Chánh
Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Chí Thanh

 

          Trước tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, không ít bộ phận học sinh  thiếu tính tự tin, tự lập, sống ích kỷ, vô  tâm, thiếu trách nhiệm với gia đình và bản thân, vi phạm pháp luật, đạo đức, nạo phá thai, xâm phạm tình dục, đắm chìm trong thế giới  ảo của Internet… Gây bức xúc cho nhà trường, gia đình và xã hội. Nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu hụt về kỹ năng sống. Do vậy, các trường phổ thông cần giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, với bản chất là hình thành và phát triển cho các em khả năng làm chủ bản thân, khả năng ứng xử phù hợp với những người chung quanh, khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống phức tạp, muôn hình, muôn vẻ của cuộc sống.
Theo Tổ chức UNESCO (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization),
KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Kỹ năng sống gắn với 4 trụ cột của giáo dục, đó là:
– Học để biết (Learning to know)
– Học làm người (Learning to be)
– Học để sống với người khác (learning to live together)
– Học để làm (Learning to do)

 

(hình ảnh minh họa)
          Trong đó, học để cùng chung sống được coi là một trụ cột quan trọng, then chốt của giáo dục hiện đại, giúp con người có được thái độ hoà bình, khoan dung, hiểu biết và tôn trọng lịch sử, truyền thống và những giá trị văn hoá và tinh thần; bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên…
Cuộc sống hiện đại đã thúc đẩy mọi hoạt động của con người trở nên gấp gáp hơn, làm việc trong hối hả, nghỉ ngơi trong rộn ràng, thần kinh luôn căng thẳng và đặc biệt chứa đựng nhiều yếu tố khôn lường. Để sống, hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần tích cực cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng tốt đẹp hơn, con người nói chung và học sinh nói riêng không thể không quan tâm đến việc rèn luyện kĩ năng sống nhằm thích ứng với mọi biến động phức tạp của hoàn cảnh.Trong trường phổ thông cần giáo dục cho học sinh một số KNS cơ bản như sau:
– Kỹ năng sống về sức khoẻ: Chế độ dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật và tai nạn, sức khoẻ sinh sản, tác hại của chất gây nghiện, HIV/AIDS, thư giãn, giải tỏa stress…
– Kỹ năng sống về môi trường: Phòng tránh thiên tai, chăm sóc và bảo vệ môi trường sống, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên…
– Kỹ năng sống về bản thân: Kiểm soát cảm xúc, tự nhận thức, tự tin, xây dựng nhân cách, xác định giá trị cuộc sống (tôn trọng, hòa bình, hợp tác, hạnh phúc, chân  thật, nhân đạo, tình thương, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, tự do, đoàn  kết)…
– Kỹ năng sống về nghề nghiệp: Giao tiếp, so sánh, phân tích, tổng hợp, sáng tạo, ra quyết định, giải quyết vấn đề, lập kế hoạch, quản lý thời gian, làm việc nhóm, diễn đạt, giải quyết mâu thuẫn, đàm phán, soạn thảo văn bản, quản trị công việc…
Mục tiêu giáo dục KNS cho học sinh trong nhà trường phổ thông:
– Trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực.
– Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
KNS không phải tự nhiên có được mà phải được hình thành trong quá trình học tập, lĩnh hội và rèn luyện trong suốt cả cuộc đời. Quá trình hình thành KNS diễn ra cả trong và ngoài hệ thống giáo dục. Giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc (gia đình, nhà trường và xã hội), trong nhà trường có thể được thực hiện qua các cách thức sau đây:
– Tích hợp với nội dung các bài học ở tất cả các môn học;
– Thực hiện trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp;
– Lồng ghép trong các buổi sinh hoạt Đoàn, Đội.


(hình ảnh minh họa)

          Người càng có nhiều KNS sẽ luôn vững vàng trước những khó khăn, thử thách; biết ứng xử, giải quyết vấn đề một cách tích cực, hiệu quả hơn; làm chủ được bản thân, chắc chắn rằng họ sẽ thành công nhiều hơn trong cuộc sống. Ngược lại, người thiếu kỹ năng sống thường dễ bị vấp ngã, dễ bị thất bại trong cuộc sống.

          Ví dụ: Người không có kĩ năng giao tiếp sẽ khó xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh; Người quản lý không có kỹ năng ra quyết định sẽ dễ mắc sai lầm và phải trả giá cho quyết định sai lầm của mình; người không có kĩ năng giải tỏa stress thường phản ứng tiêu cực làm ảnh hưởng không tốt đến bản thân, gia đình và cộng đồng. Ngược lại, người có kỹ năng kiểm soát cảm xúc (điều chỉnh và thể hiện cảm xúc một cách phù hợp) thì sẽ làm giảm căng thẳng, giúp giao tiếp và thương lượng hiệu quả hơn, giải quyết mâu thuẫn một cách hài hòa, hợp lý, mang tính xây dựng hơn, giúp ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn. Đặc biệt những vụ tai nạn thương tâm do: Hỏa hoạn xảy ra tại một công ty da giày tư nhân ở Hải Phòng; nổ gas làm sập nhà ở Hà Nội; xe khách Đăk Nông bị lũ cuốn trôi ở Hà Tĩnh là những minh chứng cụ thể cho việc thiếu hụt về KNS.

          Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, giáo dục kỹ năng sống càng trở nên cấp thiết đối với thế hệ trẻ, bởi vì:
– Xây dựng hành vi sức khoẻ lành mạnh cho cá nhân và cộng đồng góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, đảm bảo cho các em phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
– Thúc đẩy những hành vi mang tính xã hội tích cực, góp phần xây dựng công đồng, xã hội lành mạnh.
– Giúp các em sẽ thể thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
– Giúp các các em tránh xa các hành vi tiêu cực, bạo lực, lối sống ích kỉ, lai căng, thực dụng, phát triển lệch lạc về nhân cách như: Nghiện hút, bạo lực học đường, ăn chơi sa đọa…
Giáo dục kỹ năng sống không thể hình thành trong “ngày một, ngày hai” mà đòi hỏi phải có cả quá trình: nhận thức – hình thành thái độ – thay đổi hành vi.KNS vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội. KNS mang tính cá nhân vì đó là năng lực của cá nhân. KNS còn mang tính xã hội vì trong mỗi một giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội đòi hỏi KNS đa dạng và phức tạp hơn, ở mỗi vùng miền lại đòi hỏi mỗi cá nhân có những KNS thích hợp. Ví dụ: KNS của người sống ở Tây Nguyên khác với KNS của người sống ở miền Tây Nam Bộ, KNS của người sống ở vùng nông thôn khác với KNS của người sống ở thành phố …

Thực tế cho thấy, có khoảng cách giữa nhận thức và hành vi của con người, có nhận thức đúng chưa chắc đã có hành vi đúng. Ví dụ: Nhiều người biết hút thuốc lá có thể gây ung thư phổi,… nhưng họ vẫn hút thuốc; dù biết điều khiển xe máy lạng lách, đánh võng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tệ nạn này hiện nay vẫn không hề giảm… Đó chính là vì họ đã thiếu KNS.
Hiện nay đã có hơn 155 nước trên thế giới quan tâm đến việc đưa kỹ năng sống vào nhà trường, trong đó có 143 nước đã đưa vào chương trình chính khoá ở tiểu học và trung học.  Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của môn học này trong việc rèn luyện và hình thành nhân cách con người, là nhân tố tạo nên một môi trường ứng xử hài hòa, khoan dung, độ lượng, tạo ra một xã hội văn minh, hiện đại, phồn vinh và thịnh vượng./.

Tác giả bài viết: NGƯT-ThS. Trịnh Minh Chánh