Bí quyết tự tin vào phòng thi của Thủ khoa ĐH Dược
Lượt xem:
Phương châm ôn thi cực đơn giản của chàng Thủ khoa này là lấy sách giáo khoa làm gốc.
Nguyễn Thanh Tùng là một trong những gương mặt nổi bật của kỳ tuyển sinh ĐH năm 2013 với thành tích Thủ khoa của trường ĐH Dược Hà Nội (Tùng đạt 29,5 điểm, Toán – 10 điểm; Lý 9,5 điểm; Hoá 9,75 điểm).
Sách giáo khoa phải làm gốc
Chào Tùng. Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa kỳ thi ĐH, CĐ sẽ diễn ra. Có lẽ nhiều bạn ở thời điểm này đang “cày ngày cày đêm”. Năm ngoái, Tùng có như thế không?
– Mình bắt đầu tập trung học 3 môn thi đại học từ đầu năm lớp 11, đến hết lớp 11 mình học hết chương trình thi; từ đầu lớp 12 mình bắt đầu làm đề thi ĐH của các năm trước và đề thi thử của các trường.
Thời điểm này cũng có thể gọi là “cày” nhưng không đến mức “cày ngày cày đêm” (cười), vì mình thấy như thế rất căng thẳng và đôi khi còn phản tác dụng. Mỗi tối mình cũng không thức học quá khuya mà chỉ thường tới 22 giờ 30 – 23 giờ.
Vậy theo Tùng thì thời điểm này các sĩ tử nên ôn luyện như thế nào?
– Chỉ còn 3 tháng nữa là kì thi chính thức bắt đầu. Tùy vào khả năng của từng bạn để chọn phương pháp phù hợp. Với những bạn đã học hết toàn bộ chương trình rồi thì nên làm nhiều đề thi thử và phân tích những lỗi sai mình thường gặp để củng cố lại phần kiến thức đó một cách kỹ lưỡng hơn.
Tùng có bí quyết gì khi ôn thi để 3 môn Toán, Lý, Hóa đều đạt điểm cao như vậy?
– Với cả 3 môn mình đều lấy sách giáo khoa làm gốc.
Với môn Hóa, sau khi nắm vững kiến thức cơ bản ở sách giáo khoa, mình làm các câu trắc nghiệm ở mức độ dễ, đơn giản trước để quen với cảm giác giải nhanh trắc nghiệm. Sau đó, mới bắt đầu luyện đề thi thử.
Với môn Lý, sau khi học sách giáo khoa, mình tìm đọc các dạng bài tập và cách giải nhanh trong quyển Cẩm nang Vật lý của thầy Nguyễn Anh Vinh rồi luyện đề.
Với môn Toán, có lẽ do mình là học sinh chuyên Toán nên tiếp cận nhanh hơn, mình chỉ đọc lại sách giáo khoa rồi làm đề thi thử luôn.
Trong khi làm bài thi thì mình cố gắng phân bổ thời gian hợp lý cho từng câu và quan trọng hơn là phải giữ tâm lý tự tin, thoải mái.
Vậy mỗi ngày Tùng luyện bao nhiêu đề thi và tìm đề thi của các trường nào để luyện?
– Khi ôn thi ĐH, cùng với việc nắm vững kiến thức cơ bản và ôn luyện theo các chuyên đề thì luyện các đề thi thử đại học là không thể thiếu và mình cũng rất coi trọng việc luyện đề. Tùy thời gian mỗi ngày mà số lượng đề mình làm khác nhau, nhưng trung bình khoảng 1 – 2 đề/ngày.
Ngoài tìm đề thi ĐH của các năm trước, mình thường sưu tầm đề thi thử ĐH của THPT Chuyên Sư phạm, Chuyên Khoa học Tự nhiên, Chuyên Vĩnh Phúc, Chuyên Nguyễn Huệ, ĐH Vinh… để làm.
Chưa từng run khi vào phòng thi
Ở các môn Lý và Hóa thường có phần lý thuyết và đây cũng là phần chiếm khá nhiều điểm trong đề thi, nhưng nhiều thí sinh lại không biết cách học phần này như thế nào. Vậy theo Tùng làm thế nào để nắm vững được lý thuyết của 2 môn Lý và Hóa?
– Theo mình, để nắm vững lý thuyết của Lý và Hóa thì trước hết phải nắm chắc các kiến thức cơ bản hay còn gọi là kiến thức nền tảng.
Đồng thời, khi học phần lý thuyết mới, cần có sự liên hệ, so sánh, phân tích kiến thức mới ấy với những kiến thức nền tảng của mình để nắm vững hơn. Ngoài ra, cần thường xuyên đọc lại những gì đã học để ghi nhớ.
Trong phòng thi, khi hồi hộp và mất bình tĩnh, Tùng có cách nào để lấy lại sự tập trung và ổn định tâm lý?
– Mình chưa run khi đi thi bao giờ (cười), vì trước khi thi thật, mình đã “nếm trải” cảm giác ngồi trong phòng thi ở những lần thi thử ĐH. Nếu các bạn thí sinh làm bài thi mà bị mất bình tĩnh, thì theo mình có một cách vô cùng đơn giản là hãy dừng lại một phút, hít thở thật sâu, sau đó tiếp tục tập trung làm bài.
Lý do tại sao trước đây Tùng lựa chọn thi ĐH Dược? Tùng có lời khuyên nào đối với các bạn sĩ tử thời điểm này vẫn đang loay hoay chọn ngành, chọn trường?
– Mình chọn thi vào trường ĐH Dược Hà Nội vì mình rất thích học môn Hóa và mình cũng mong muốn tìm hiểu về thuốc, cách bào chế ra các loại thuốc mới.
Với những bạn vào thời điểm này vẫn còn đang chọn trường, mình nghĩ các bạn nên xác định được: Mình thích làm gì? Sau này mình sẽ là ai? Bên cạnh đó phải xét đến năng lực thật sự của bản thân.
Theo GD&TĐ